Cách thức vận hành chuỗi cung ứng của Zara cho phép họ có thể đổi mới sản phẩm thay vì tạo ra nó.
Bên cạnh đó, Zara luôn giữ lượng sản xuất của mình ở mức tối thiểu, điều này cho phép họ tập trung vào việc đưa ra nhiều thiết kế mới hơn.
Hãy cùng Ego Express phân tích sâu hơn về chuỗi cung ứng này thông qua bài viết dưới đây.
1. Chiến lược kinh doanh trong mô hình chuỗi cung ứng của Zara
Điều gì đã làm nên sự thành công của “ông hoàng thời trang nhanh” đến từ Tây Ban Nha này?
1.1 Kĩ thuật phân tích thị trường và phân phối sản phẩm
Đối với những sản phẩm bình dân và thiết yếu như áo thun, tất, đồ lót,…nhãn hàng này tập trung sản xuất và phân phối cho thị trường châu Á.
Nơi đây có nhu cầu lớn về những sản phẩm dạng này, từ đó Zara có lượng khách hàng tiêu thụ ổn định hơn. Điều này phản ánh bản chất thúc đẩy trong chu kỳ chuỗi cung ứng của Zara khi những hàng hóa này được chuyển đến kho.
Ở một phân khúc khác, dòng sản phẩm Zara thời thượng như Zara RTF, bao gồm các trang phục thời trang cao cấp, sẽ được sản xuất tại các nhà máy ở châu Âu.
Điều này giúp rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm, mặc dù có nhược điểm là tăng cao chi phí sản xuất nhưng là điều kiện để Zara đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu của khách hàng.
Một chiến lược được áp dụng tại mọi cửa hàng của Zara chính là luôn cung cấp sản phẩm mới với nguồn cung hạn chế.
Điều này tạo ra cảm giác hiếm có và độc quyền vì chỉ có một số mặt hàng được trưng bày trong không gian cửa hàng rộng lớn (trung bình khoảng 1.000 mét vuông).
Zara còn áp dụng triệt để hiệu ứng tâm lí khan hiếm khi loại bỏ hoàn toàn một sản phẩm trong cửa hàng khi mẫu đó hết các kích cỡ phổ biến, mặc dù nó có thể vẫn còn nhiều kích cỡ khác trong kho.
1.2 Khác biệt trong chuỗi cung ứng của Zara so với những mô hình bán lẻ truyền thống
Đối với Zara, hãng luôn tập trung toàn lực vào việc đi theo mô hình “thời trang nhanh” đặc trưng của mình:
- Ưu tiên sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm: Zara luôn khuyến khích sự sáng tạo và phá cách, nhờ vậy, họ có thể chiều lòng đại đa số khách hàng từ phân khúc bình dân cho tới cao cấp.
- Rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm: Nếu thời gian trung bình để các hãng thời trang tung ra một sản phẩm mới là 6 tháng thì Zara chỉ cần 1/3 số thời gian đó để “chào hàng” thiết kế mới. Họ luôn bắt kịp các xu hướng thời trang mới và thịnh hàng nhất.
- Giới hạn số lượng: Mặc dù sở hữu nhiều mẫu mã, mỗi dòng sản phẩm mà Zara sản xuất luôn được giới hạn ở mức tối thiểu. Chiến lược này cực kì thành công trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro hàng tồn kho cũng như xây dựng “thương hiệu” về sự khan hiếm.
Sản phẩm đa dạng với nhiều mẫu mã được tung ra liên tục nhưng số lượng hạn chế là điểm nhấn giúp Zara luôn kịp thời nắm bắt được phản hồi của thị trường, nhanh chóng quay vòng sản xuất, gia tăng khách hàng mới và phát triển doanh thu.
2. Các hoạt động trong chuỗi cung ứng của Zara
Triết lý “thời trang nhanh” chính là kim chỉ nam, định hướng cho từng hoạt động của trong chuỗi cung ứng của Zara.
Toàn bộ quy trình trong chuỗi cung ứng của Zara có thể được chia thành năm phần:
2.1 Thiết kế sản phẩm
Các thiết kế của Zara được sản xuất với số lượng ít nhưng rất đa dạng cho phép họ dễ dàng đổi mới cửa hàng, đồng thời cắt giảm các chương trình khuyến mãi và giảm giá.
Zara sản xuất 10.000 mẫu thiết kế hàng năm, tốc độ nhanh hơn ít nhất hai lần so với các đối thủ trong ngành.
Hầu hết các sản phẩm của Zara chỉ có thời gian là 4 tuần kể từ công đoạn thiết kế đến khi sản phẩm sẵn sàng trên các kệ hàng, mặc dù các sản phẩm này đều phải qua các DC ở Arteixo và Zaragoza trước khi được gửi đến cửa hàng.
Con số này đã phản ánh cách Zara dẫn đầu trong ngành thời trang nhanh.
Về thiết kế, Zara bán quần áo thời trang với thiết kế lấy cảm hứng từ tác phẩm của một số nhà thiết kế nổi tiếng, nhưng không liên kết trực tiếp với những nhà thiết kế này để ra mắt các sản phẩm độc quyền.
Hệ thống POS tại các cửa hàng kết hợp cùng công nghệ thông tin tích hợp trong kho hàng của Zara làm tăng tính chính xác và đồng nhất của các nguồn dữ liệu về hành vi tiêu dùng cũng như sở thích của khách hàng và xu hướng thời trang cập nhật mới nhất.
Điều này cho phép Zara “đi đầu” với những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như nâng cao sự hài lòng của khách hàng dựa trên phân tích thị trường.
2.2 Hoạt động nhập nguyên liệu đầu vào
Trụ sở thiết kế chính của Zara tại Tây Ban Nha liên kết chặt chẽ với hệ thống thu mua của công ty này ở nhiều nơi như: Barcelona, Hongkong, Bắc Kinh,…
Trước đây, Châu Âu là nguồn cung cấp vải chính của Zara. Tuy nhiên, việc thành lập ba công ty mới ở HongKong cho thấy rằng nguồn cung ứng từ Viễn Đông, đặc biệt là Trung Quốc, đang được hãng này chú trọng.
Zara tiến hành thu mua nguyên vật liệu giá rẻ từ các nhà cung cấp ở Tây Ban Nha, Ấn Độ, các nước khu vực Trung Đông,… với tỷ lệ đã nhuộm/chưa nhuộm phù hợp đã được tính toán trước.
Nguồn nguyên liệu chưa nhuộm giúp hãng đảm bảo tính linh hoạt, dễ dàng thay đổi theo từng chiến dịch cụ thể được đưa ra một cách nhanh chóng.
2.3 Quá trình sản xuất thành phẩm
Trụ sở thiết kế của Zara tung ra gần 15.000 mẫu thiết kế mới mỗi năm theo phong cách đang thịnh hành và không cố gắng tạo ra những xu thế mới. Việc này giúp Zara luôn sẵn nguồn hàng, sản xuất theo trend một cách dễ dàng hơn.
Zara tuân thủ nguyên tắc Just In Time chặt chẽ và loại bỏ mọi quy trình không phù hợp để đảm bảo bộ máy hoạt động đồng nhất: các sản phẩm được sản xuất đúng tiêu chuẩn, đúng mẫu mã, đúng nơi và vào đúng thời điểm thích hợp.
Khả năng sản xuất của các nhà máy của Zara luôn đạt từ 85 – 100% (có thể nâng lên nếu cần thiết) giúp hãng luôn kiểm soát được số lượng và tốc độ các sản phẩm mới được tung ra thị trường.
Phân bố sản xuất trong chuỗi cung ứng của Zara:
Zara sản xuất các mặt hàng thời trang nhất và có độ rủi ro cao tại các nhà máy xung quanh Arteixo (60% sản phẩm của hãng)
Châu Phi và Châu Á là nơi các sản phẩm bán thời trang và thiết kế cơ bản được sản xuất (chiếm 40% còn lại)
Hàng ở châu Âu đắt hơn khoảng 35% so với châu Á, nhưng hầu hết các sản phẩm này được sản xuất với thời gian ngắn hơn.
Ngoài ra, sự lựa chọn khắt khe của Zara còn được thể hiện qua việc họ chỉ hợp tác với 20 nhà cung cấp chính cho 75% thành phẩm.
2.4 Hoạt động lưu trữ và phân phối
Zara duy trì mức tồn kho dưới 10% so với mức trung bình 17% – 20% của nhiều công ty trên thị trường (chưa bằng một nửa so với tỷ lệ tồn kho trung bình).
Chuỗi cung ứng của Zara có khả năng đáp ứng hơn 450 triệu sản phẩm mỗi năm, thời gian các mẫu sản phẩm mới được tung ra là 2 lần/1 tuần.
Lịch trình sản xuất ổn định cùng với thời gian phân phối nhanh chóng của chuỗi cung ứng Zara giúp hãng này luôn gần với nhu cầu của khách hàng nhất.
75% sản phẩm của Zara được vận chuyển bằng xe tải và 25% được vận chuyển bằng đường hàng không.
2.5 Phân phối và bán hàng thông qua chuỗi cửa hàng bán lẻ
Khách hàng chính là đầu mối chính cho hoạt động PR của Zara.
Chiến lược quảng bá của hãng này không tập trung vào các hoạt động quảng cáo mà nghiêng về tối ưu xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng cùng với đó là phát triển các địa điểm trưng bày mang tính biểu tượng.
Zara thường chi cho chiết khẩu giảm giá khoảng 15%, so với mức trung bình chung của thị trường là 30 – 40%
Về hình thức bán lẻ, Zara xác định vị trí cửa hàng chủ yếu ở những nơi “đắc địa”. Những sản phẩm thời thượng di chuyển vào và ra khỏi cửa hàng một cách nhanh chóng và rất ít hàng tồn kho được giữ lại.
Theo thống kê, chuỗi cung ứng của Zara có khả năng cung cấp lượng hàng lớn cho các cửa hàng trong chuỗi bán lẻ của mình: đối với Châu Âu chỉ cần 24h và trong vòng 40 giờ với các quốc gia tại Châu Mỹ và Châu Á.
3. Xem thêm chuỗi cung ứng khác tại Việt Nam?
Chuỗi cung ứng Apple | Chuỗi cung ứng Coca Cola | Chuỗi cung ứng Acecook |
Chuỗi cung ứng Vinamilk | Chuỗi cung ứng Nike |
Trên đây là những thông tin cũng như con số thú vị về chuỗi cung ứng của Zara. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các chuỗi cung ứng thành công khác thì hãy đón đọc những bài viết tiếp theo từ Ego Express nhé!