”Tờ Khai Hải Quan” chắc hẳn đã trở thành khái niệm không thể quen thuộc hơn với bất kỳ ai có thâm niên làm trong các ngành xuất-nhập khẩu, logistics. Thế nhưng, đối với những người bắt đầu tiếp xúc với lĩnh vực này thì có lẽ sẽ còn nhiều vướng mắc. Vậy chúng ta hãy cùng Ego Express tìm hiểu về chứng từ này qua bài viết này nhé!
1. Khái niệm: Tờ khai hải quan là gì?
- Tờ khai hải quan hay còn gọi là Customs Declaration là một văn bản mà trong đó người chủ của hàng hóa phải kê khai toàn bộ thông tin chi tiết về lô hàng hay phương tiện cho lực lượng kiểm soát khi muốn xuất khẩu ra nước ngoài hay nhập khẩu hàng hóa vào nước ta.
- Kê khai hải quan là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ doanh nghiệp hay tư nhân nào có nhu cầu xuất-nhập khẩu hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
- Hiện nay, việc khai báo hải quan có thể được thực hiện thông qua phần mềm VNACCS. Tờ khai hải quan sử dụng mẫu mới (phát hành từ sau tháng 4 năm 2014) và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ làm theo mẫu này.
- Ở một số chi cục hải quan vẫn đang sử dụng phương pháp cũ đối với tờ khai phi mậu dịch, người đại diện doanh nghiệp cần phải mua tờ khai giấy tại chi cục hải quan. Trong đó, những ô có liên quan cần điền sẽ phải điền bằng tay.
2. Nội dung tờ khai hải quan
Mặc dù có chung mục đích và bản chất như nhau, nội dung giữa tờ khai giấy và bản khai điện tử vẫn có những khác biệt. Sau đây chúng ta cùng đi vào chi tiết từng loại nhé!
2.1 Tờ khai hải quan giấy
- Ở đầu tờ khai, bạn sẽ thấy tham số chiếu, số tờ khai đăng ký bên ngày đăng ký, thông tin về đơn vị bưu cục hải quan.
- Nội dung tờ khai gồm có 2 phần rõ ràng:
- Phần A sẽ áp dụng cho người kê khai hải quan và tính thuế.
- Phần B sẽ áp dụng cho bên đơn vị chi cục hải quan.
Mẫu tờ khai hải quan nhập khẩu
2.2 Tờ khai hải quan điện tử
- Đây là hình thức tờ khai được sử dụng rộng rãi hơn, nội dung chi tiết bao gồm:
- Phần 1: Số tờ khai, mã phân loại kiểm tra, mã loại hình, mã chi cục, ngày đăng ký.
- Phần 2: Thông tin người xuất – nhập khẩu.
- Phần 3: Thông tin chi tiết lô hàng.
- Phần 4: Thông tin về hóa đơn.
- Phần 5: Thuế và sắc thuế.
- Phần 6 : Phần dành cho hệ thống hải quan trả về.
- Phần 7 : Ghi chú về tờ khai hải quan.
- Phần 8: Danh sách hàng hóa.
Tờ khai hải quan điện tử
2.3 Lưu ý
- Tờ khai hải quan xuất khẩu có khác biệt nhất định so với tờ khai nhập khẩu.
- Tờ khai báo bắt buộc phải ở khổ giấy A4 màu trắng, tuyệt đối không dùng giấy màu.
3. Cách ghi tờ khai hải quan
Việc viết tờ khai xuất nhập khẩu cần phải đảm bảo chính xác tuyệt đối để tránh những rắc rối phát sinh. Trong tờ khai bằng giấy, người khai ghi vào mục A:
PHẦN A – Dành cho người khai hải quan kê khai và tính thuế:
- Người nhập khẩu, mã số: Ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, sđt, số fax, mã số thuế.
- Người xuất khẩu, mã số: Ghi tên đầy đủ và địa chỉ của doanh nghiệp/cá nhân xuất khẩu.
- Người uỷ thác, mã số: Ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, sđt, số fax, mã số thuế.
- Đại lý làm thủ tục hải quan, mã số: Ghi tên đầy đủ, số điện thoại, địa chỉ, số fax và mã số thuế của đại lý.
- Loại hình xuất-nhập khẩu: Đánh dấu (V) vào ô tương ứng:
“KD”: Kinh doanh;
“ĐT” : Đầu tư;
“GC” : Gia công;
“SXXK”: Sản xuất xuất khẩu;
“NTX”: Tạm nhập – tái xuất;
“TN”: Tái nhập.
- Giấy phép/Ngày cấp/ngày hết hạn: Ghi số văn bản cấp hạn ngạch hoặc duyệt kế hoạch nhập khẩu của Bộ Thương mại, Bộ ngành chức năng (nếu có), ngày cấp và hết hạn (nếu có).
- Hợp đồng: Ghi số, ngày ký hết hạn (nếu có) của hợp đồng thương mại hoặc phụ kiện hợp đồng.
- Hoá đơn thương mại: Ghi số hoá đơn thương mại, ngày phát hành.
- Phương tiện vận tải: Ghi tên tàu, số chuyến bay, số chuyến tàu hỏa; số hiệu cùng ngày đến của phương tiện chở hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam ( Nếu được vận chuyển bằng đường bộ thì chỉ ghi loại hình phương tiện vận tải, không phải ghi số hiệu).
- Vận tải đơn: Ghi thông tin của vận tải đơn (B/L) hoặc chứng từ vận tải có giá trị do người vận tải cấp.
- Nước xuất khẩu: Ghi tên nước nơi mà từ đó hàng hoá được xuất bán cuối cùng để chuyển đến Việt Nam (Áp dụng mã nước cấp ISO ).
- Cảng, địa điểm xếp hàng: Ghi tên cảng, địa điểm (được thoả thuận trong hợp đồng thương mại) nơi hàng hoá được xếp lên phương tiện vận tải để chuyển đến Việt Nam (Áp dụng mã ISO ).
- Cảng, địa điểm, dỡ hàng: Ghi tên cảng, địa điểm (Ví dụ: Hải phòng) nơi hàng hóa được dỡ khỏi phương tiện vận tải. (Áp dụng mã hoá cảng ISO, nếu chưa được cấp mã số theo ISO thì chỉ ghi địa danh).
- Điều kiện giao hàng: Ghi rõ điều kiện giao hàng được thỏa thuận trong hợp đồng (Ví dụ: CIF Hải Phòng, FOB TOKYO…).
- Đồng tiền thanh toán: Ghi mã của loại tiền tệ dùng để thanh toán (nguyên tệ) được thoả thuận trong hợp đồng (Áp dụng mã ISO ). Ghi tỷ giá giữa đơn vị nguyên tệ với tiền Việt Nam áp dụng để tính thuế.
- Phương thức thanh toán: Ghi rõ phương thức thanh toán thỏa thuận trong hợp đồng (Ví dụ: L/C, DA,…).
- Tên hàng – quy cách phẩm chất: Ghi rõ tên, quy cách phẩm chất hàng hóa theo như hợp đồng.
- Mã số hàng hoá: Ghi mã số phân loại hàng hoá theo danh mục hàng hoá XNK Việt Nam (HS.VN) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Xuất xứ: Ghi tên nước nơi hàng hoá được chế tạo (sản xuất) (Áp dụng mã ISO ).
- Lượng: Ghi số lượng hoặc trọng lượng từng mặt hàng trong lô hàng (phù hợp với đơn vị tính tại tiêu thức 21).
- Đơn vị tính: Ghi tên đơn vị tính của từng mặt hàng (ví dụ: mét, kg…) đã thoả thuận trong hợp đồng.
- Đơn giá nguyên tệ: Căn cứ vào thoả thuận trong hợp đồng thương mại, hoá đơn, L/C, ghi giá của một đơn vị hàng hoá (trong đó: đơn vị tính ở mục 21, tiền tệ theo mục 14),
- Trị giá nguyên tệ: Ghi trị giá bằng nguyên tệ của từng mặt hàng nhập khẩu (là kết quả của phép nhân giữa “Lượng (tiêu thức 20)” và “đơn giá nguyên tệ (tiêu thức 22)) .
- Thuế nhập khẩu:
> Trị giá tính thuế: Ghi trị giá của từng mặt hàng bằng VNDVND.
> Thuế suất (%): Ghi mức thuế suất tương ứng theo biểu thuế nhập khẩu (với mã số đã được xác định trong tiêu thức 18).
> Tiền thuế: Ghi số tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với từng mặt hàng ( là kết quả của phép nhân “Trị giá tính thuế” X “Thuế suất (%) của từng mặt hàng”).
- Tiền thuế GTGT (hoặc TTĐB)
- Thu khác: Tỷ lệ (%): ghi tỷ lệ các khoản thu khác theo quy định, Khi đó, số tiền được tính theo: “Giá tính thuế nhập khẩu của từng mặt hàng” X Lượng” X “Tỉ lệ”.
- Tổng số tiền thuế và thu khác: Ghi tổng số tiền nhập khẩu; GTGT (hoặc TTĐB); thu khác, bằng số và bằng chữ.
- Chứng từ đi kèm: Ghi số lượng từng loại chứng từ và liệt kê tất cả các chứng từ đi kèm.
- Người khai hải quan ký tên, đóng dấu: ghi ngày/tháng/năm khai báo, ký xác nhận, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu.
Nắm bắt được nội dung cũng như cách thức ghi tờ khai hải quan sẽ giúp chúng ta tránh được những bối rối không cần thiết trong quá trình làm thủ tục. Hi vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có quá trình làm việc suôn sẻ hơn!